Triển khai dạy sách lớp 1 ở tỉnh miền núi Yên Bái tương đối thuận lợi

Triển khai chương trình sách giáo khoa mới, tỉnh miền núi này đã có sự lựa chọn các bộ sách phù hợp đối với thực tế địa phương, đến nay về cơ bản các trường chưa gặp khó khăn nào quá lớn.

Năm học này Yên Bái có gần 18.000 học sinh lớp 1. Triển khai chương trình sách giáo khoa mới, tỉnh miền núi này đã có sự lựa chọn các bộ sách phù hợp đối với thực tế địa phương. Theo đánh giá của ngành Giáo dục địa phương, đến nay về cơ bản các trường chưa gặp khó khăn nào quá lớn. 

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hồng, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình có 12 năm liên tiếp dạy lớp 1 và cô giáo Ngô Thị Thúy Loan, mới  được phân công dạy lớp 1 tại trường Tiểu học và THCS Âu Lâu, TP Yên Bái cho biết, bộ sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là sách Tiếng Việt (lựa chọn từ bộ sách “Kết nối tri thức cuộc sống”) có nội dung hay, hình ảnh đẹp, hấp dẫn học sinh. Sách có nhiều từ ngữ mới, gợi mở cho học sinh sự hứng thú. Phần hướng dẫn giáo viên rất tường minh. Cuốn sách này phụ huynh cũng có thể dùng để dạy con em học bài được.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hồng phân tích những nội dung của sách Tiếng việt lớp 1 mới.

Tuy nhiên theo cô Nguyễn Thị Bích Hồng, phần đọc cũng có nhiều từ mới, khó hiểu, phương ngữ như: cá hố (giáo viên cũng phải tra từ điển mới rõ); đá dế (học sinh ngày xưa có thể biết trò chơi này nhưng học sinh lớp 1 hiện nay các em rất khó tưởng tượng)… Trước, mỗi bài thường học 2 vần thì nay mỗi bài có 4 vần. Đặc biệt, phần đọc cuối bài là những câu văn, đoạn văn, bài thơ rất dài.

"Mặc dù các em mới chỉ làm quen mới hơn 1 tháng thôi nhưng các em có thể phải đọc một đoạn văn đến 4 – 5 câu, hoặc một nửa bài thơ. Nếu để rèn đọc đến như vậy thì so với chương trình cũ phải sang đến giữa kỳ 2 mọi năm chúng tôi mới làm phần ấy. Thêm bên cạnh đó, có những bài nhiều vần nhưng cấu trúc hoặc mối liên quan giữa các vần nó chưa có liên kết với nhau, ví dụ có những vần “iêng”, iêm” và “yên”, mặc dù tôi hiểu mục đích của sách đó là đưa ra âm “iê” là một âm đôi thế nhưng cái âm cuối kết thúc của vần đó lại khó đọc đối với các con, 3 vần đó đọc 3 cách khác nhau", cô Hồng cho hay.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hồng liên tiếp 12 năm dạy lớp 1 với nhiều kinh nghiệm.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường trường Tiểu học và THCS Âu Lâu, TP Yên Bái cho biết, do các giáo viên dạy sách mới được tập huấn đầy đủ, nhiệt tình với công việc, cộng thêm được trang bị thiết bị tin học đầy đủ nên việc triển khai sách giáo khoa lớp 1 mới tương đối thuận lợi…

"Về điều kiện cơ sở vật chất có những thuận lợi nhất định, về phòng học là phòng học kiên cố 100%. Thiết bị cũng được đầu tư khá là nhiều, đặc biệt là dành cho lớp 1, có thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin: máy chiếu bảng tương tác, tiện cho các thầy cô giáo khai thác các tài liệu mềm trên mạng. Thuận lợi tiếp theo nữa là chúng tôi được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong triển khai các công việc của nhà trường", cô Huyền chia sẻ.

Cô giáo Ngô Thị Thúy Loan cho biết sách lớp 1 khá hay và đẹp

 

Thực tế cho thấy, trong khi các trường ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn khá thuận lợi thì tại các trường ở huyện, đặc biệt là các trường khu vực miền núi, vùng cao, vùng ven việc triển khai gặp khó khăn hơn do thiếu các thiết bị như máy chiếu, bảng tương tác, máy tính trong khi triển khai chương trình mới.

Cô giáo Đặng Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình cho biết: "Chúng tôi cũng có một số đề xuất: Về đội ngũ, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới dạy 2 buổi/ngày với tỷ lệ cho phép là 1,5 giáo viên/1 lớp thế nhưng hiện tại chưa đáp ứng được, hầu như là 1 giáo viên/1 lớp, như vậy là thiếu giáo viên, chúng tôi đề nghị đội ngũ phải có đầy đủ. Về cơ sở vật chất, chương trình giáo dục mới có nguồn tài nguyên học liệu điện tử rất phong phú nên phải có được những thiết bị thông minh để tải những tài liệu từ mạng về để dạy học sinh, hiện chúng tôi dạy với phương pháp truyền thống, bảng đen, phấn trắng chứ chưa được cấp các phòng học thông minh hay máy chiếu máy tính… Chúng tôi cũng mong muốn được quan tâm vấn đề này với lớp 1 để làm sao cho hiệu quả".

Cô giáo Đặng Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho rằng cần đầu tư các phòng học thông minh và hệ thống máy để dạy học hiệu quả hơn.

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái chia sẻ, năm học 2020 -2021, toàn tỉnh có gần 18 nghìn học sinh lớp 1 ở hơn 580 lớp. Quá trình triển khai sách giáo khoa mới, các đơn vị trường và giáo viên đã được tham gia từ đầu việc nghiên cứu các mẫu sách, tổ chức chọn mẫu sách từ tháng 3/2020. Cụ thể, đã so sánh các sách khác nhau để lựa chọn ra đầu sách phù hợp nhất cho từng môn học và hoạt động giáo dục. Sau đó, tất cả các giáo viên đều được tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng, nắm vững nội dung, phương pháp giảng dạy trước khi bước vào năm học mới…

"Qua báo cáo của các Phòng Giáo dục và đào tạo, kết quả bước đầu sau triển khai dạy học lớp 1, giáo viên nhận định sách giáo khoa mới đã đáp ứng được những kỳ vọng của giáo viên và gây hứng thú cho học sinh. Lớp học diễn ra một cách tích cực và các em học sinh được trải nghiệm nhiều hơn", ông Tuấn cho biết thêm

Được biết, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều không lựa chọn sách Tiếng Việt của Nhóm Cánh diều. Các đầu sách được lựa chọn từ các bộ “Kết nối tri thức cuộc sống”, “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”./.

Bài viết liên quan